Chùa Tam Thai Ngũ Hành Sơn

 - 

Chùa Tam Thai nằm trên ngọn Thủy Sơn thuộc danh thắng Ngũ Hành Sơn. Đây là một ngôi chùa cổ được xem là quốc tự và di tích Phật giáo. Theo tài liệu Hán - Nôm còn lưu lại như văn bia "Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật" ở động Hóa Nghiêm có thể đoán định chùa Tam Thai được xây dựng vào những năm nửa đầu thế kỷ XVII, theo sách “Việt Nam danh lam cổ tự” thì chùa được xây dựng vào thời Hậu Lê khoảng năm 1630, còn theo ngài Thích Đại Sán ghi trong “Hải Ngoại Ký Sự” thì vào năm Ất Hợi (1695), thì ngài đã đến thăm ngôichùa này.

Bạn đang xem: Chùa tam thai ngũ hành sơn


*

Sau này, do thời cuộc chiến tranh và thời tiết khí hậu khắc nghiệt, chùa Tam Thai đã hư hại, xuống cấp và được sửa chữa, trùng tu nhiều lần. Tương truyền, trong một cuộc giao tranh đánh nhau với nghĩa quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh lúc bây giờ đã tạm thời lánh nạn tại đây, khi gặp một vị thiền sư giảng đạo, Nguyễn Ánh nghe xong liền phát nguyện rằng: “Sau này tôi phục quốc xong, tôi sẽ tô điểm thêm nơi danh lam thắng cảnh này cho được huy hoàng tráng lệ.” Thế nhưng, sau này khi Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy hiệu là Gia Long, nhưng do bận công việc triều chính chưa thực hiện được tâm nguyện, nên có di chúc lại cho con là vua Minh Mạng thực hiện. Vào năm 1825, khi vua Minh Mạng viếng thăm Ngũ Hành Sơn đã cho xây dựng, tu bổ lại chùa Tam Thai, đồng thời cũng cho đúc các tượng phật, đúc các cổ chuông lớn bằng đồng và ban cho chùa một tấm biển ghi rõ: “Ngự chế Tam Thai Tự, Minh Mạng lục niên phụng tạo” tạm dịch: (Ban sửa sang lại chùa Tam Thai, năm Minh Mạng thứ 6 tạo lập). Cũng trong thời gian này, chùa Tam Thai đã được phong là “Quốc Tự”, các quy định về giáo phẩm, Tăng đồ, phân bố Tăng chúng đều do triều đình quyết định. Sau khi công nhận là Quốc Tự, nhà vua đã sắc dụ bổ nhiệm Ngài Trần Văn Trừng, Pháp danh Viên Trừng, ở làng Xuân Đài, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, lúc bây giờ Ngài đang tu ở chùa Thiên Mụ (Huế) về làm trụ trì chùa Tam Thai và triều đình cũng cấp lương cho các vị trụ trì và Tăng chúng để ăn ở tu hành. Chuyện kể, lúc bấy giờ, có Công chúa con vua Gia Long, em gái vua Minh Mạng, khi đến Ngũ Hành Sơn, do yêu mến cảnh đẹp nơi đây, Công chúa đã xin xuất gia và thọ giới với Ngài Viên Trừng. Khi vua Minh Mạng biết được đã khuyên em và triệu hồi về cung để lấy chồng, nhưng Công chúa không chịu và làm một bài thơ gởi cho vua Minh Mạng <1>.

Qua thời gian dài tồn tại, đến năm 1901, một trận bão dữ dội đã tàn phá toàn bộ ngôi chùa, mãi đến năm 1907, ngôi chùa mới được xây dựng lại theo kiểu chữ nhất (一), mái chùa lợp ngói lưu ly tròn, phía trên nóc trang trí hình “lưỡng Long chầu Nguyệt”. Trong chùa trước kia thờ phật Di Lặc bằng đồng ở giữa, bên trái là tượng Quan Công bằng gỗ, bên phải là tượng Hộ Pháp bằng đồng, tượng Tả Phù, Hữu Bật ở hai bên cửa ra vào cùng với Thập Bát La Hán. Đến năm 1995, ngôi chùa một lần nữa được trùng tu, tôn tạo, được xây dựng bằng xi măng cốt sắt kiên cố, mặt xây về hướng nam, mái có hai tầng, lợp ngói âm dương, trên nóc trang trí hình “lưỡng Long chầu Nguyệt” và tượng tứ linh gồm Long, Lân, Quy, Phụng. Các cây cột ở tiền đường đều trang trí hình rồng, phụng. Hiện nay, chùa thờ 4 vị thần: Phật A Di Đà, Quan Thế Âm Bồ Tát, Phật Thích Ca, Văn Thù Bồ Tát và một số tượng Hộ Pháp, Tiêu Diện…Tại khu vực chính điện của chùa vẫn còn lưu giữ một số hoành phi, liên đối có từ thời các vua triều Nguyễn. Trong đó, nổi bật nhất là bức hoành Ngự chế Tam Thai Tự”, được phụng lập năm Minh Mạng thứ 6 (1825) : 御 製 三 台 寺

Hay các bức liễn đối sau:

Câu đối thứ 1:

佛 即 心 心 即 佛 心 齋 成 佛

人 弘 道 道 弘 人 道 不 遠 人

Phật tức tâm, tâm tức Phật, tâm trai<2> thành Phật

Nhân hoằng đạo, đạo hoằng nhân, đạo bất viễn nhân

Phật là tâm, tâm cũng là Phật, tâm tịnh là Phật,

Người mở mang đạo, đạo khai sáng người, đạo chẳng xa người.

Lạc khoản bên phải đề: “Thành Thái Canh Tý trọng hạ” (Mùa hạ, tháng 5 năm Canh Tý (1900) niên hiệu Thành Thái. Lạc khoản bên trái đề: “Thạch Bộ tòng Cửu phẩm Lê Nhân thọ trì pháp danh đệ tử Chơn Xuân, Bảo An tòng Cửu phẩm Phan Diễn thọ trì pháp danh đệ tử Như Huệ đồng phụng cúng” (Đệ tử thọ trì : Tòng cửu phẩm Lê Nhân, pháp danh Chơn Xuân, người làng Thạch Bộ; Tòng cửu phẩm Phan Diễn, pháp danh Như Huệ, người làng Bảo An đồng phụng cúng.

Câu đối thứ 2:

積 善 有由 来 仙 源 慶 衍

得 道 謂 可 量 法 派 榮 陞

Tích thiện hữu do lai, Tiên nguyên khánh diễn,

Đắc đạo vị khả lượng, Pháp phái vinh thăng.

Tích thiện bao đời nay, nguồn Tiên nối mãi,

Đắc đạo khó nghĩ bàn, Pháp phái bền lâu.

Lạc khoản bên phải đề: “Bảo Đại nguyên niên xuân” (Mùa xuân năm Bảo Đại thứ nhất (1925). Lạc khoản bên trái đề: “Tăng mục: Lê Tích, Phạm Hựu, Võ Lãm, Đặng Mão; Tăng chúng: Nguyễn Trác, Võ Lịch, Lê Huyền, Lê Giám hòa thượng” (Tăng mục Lê Tích, Phạm Hựu, Võ Lãm, Đặng Mão; tăng chúng Nguyễn Trác, Võ Lịch, Lê Huyền, Lê Giám).

Câu đối thứ 3:

優 鉢 花 開 香 遍 禅 林 光 祖 印

菩 提 樹 長 蔭 垂 福 地 振 尊 風

Ưu bát hoa khai, hương biến thiền lâm quang tổ ấn,

Bồ đề thụ trưởng, ấm thùy phước địa chấn tôn phong.

Hoa Ưu bát nở, hương ngát rừng thiền, rạng ngời tổ ấn,

Cây Bồ đề lớn, tán che đất Phật, hưng phát tông phong.

Lạc khoản bên phải đề: “Bảo Đại tam niên, Ngự chế Tam Thai, Linh Ứng nhị tự Tăng cang Hòa thượng nhã giám” (Niên hiệu Niên đại năm Bảo Đại thứ 3 (1927), kính dâng hòa thượng Tăng cang quan tự Tam Thai và Linh Ứng chứng giám). Lạc khoản bên trái đề: “Bổn tỉnh chư sơn tự đồng tặng” (Các chùa trong tỉnh đồng kính tặng).

Xem thêm: Kinh Nghiệm Du Lịch Bụi Đà Lạt Siêu Tiết Kiệm Từ A Đến Z, Kinh Nghiệm Du Lịch Bụi Đà Lạt

Điều đặc biệt là cho đến ngày nay dấu tích còn lại của ngôi chùa xây dựng từ thời Minh Mạng vẫn còn đó là bờ thành chung quanh chùa (còn gọi là hành cung) và cổng Tam Quan.

Trên nóc cổng Tam Quan còn lại một tấm bia đá cẩm thạch thuộc loại hình bia gửi giỗ. Bia không lớn, chữ khắc nhỏ, nông và số lượng chữ cũng không nhiều. Bia được dựng năm Giáp Ngọ, niên hiệu Thành Thái thứ 6 (1894). Nội dung nói đến việc đệ tử Lại Thị Khuê, pháp danh Chơn Quế ở xứ Bà Bồi, châu Nhân Bồi, tổng Mỹ Khê, huyện Duy Xuyên, phủ Điện Bàn phụng cúng tạo bia đặt việc tế tự cho tiên linh nhà họ Lại tại chùa Tam Thai, giao 200 quan tiền để lo việc cúng giỗ hai kì xuân thu mỗi năm. Đến năm Kỷ Mùi (1859), Hà Thị Tăng<3> cúng 60 quan tiền, tổng cộng trước sau 260 quan, mua 1 sào 5 thước ruộng tại xứ cát trắng xã Quán Khái đặt làm ruộng tế tự tổ tiên, giấy tờ bán ruộng của Hoàng Bá Thế lưu giữ tại chùa. Văn bia cũng liệt kê tên tuổi của những người cần cúng tế.

Văn bia gửi giỗ xuất hiện khá nhiều vào cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX. Qua thác bản in rập được giới thiệu trong Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm, thấy rằng bia gửi giỗ có nhiều ở vùng đất Quảng Nam, đặc biệt là thành phố Hội An. Riêng ở Đà Nẵng, đây là tấm bia gửi giỗ duy nhất hiện còn biết được.

Sau lưng chánh điện là nhà thờ Tổ, nguyên nhà thờ Tổ trước đây ở phía bên phải chùa, cách chánh điện khoảng 30m, nhưng trong lần trùng tu, sửa chữa vào năm 1995, nhà thờ Tổ được dời về vị trí hiện tại để thờ Tổ Bồ Đề Lạt Ma và long vị của các chư vị Hòa Thượng đã trụ trì và mất tại chùa, ngoài ra, còn thờ Tăng chúng và tín đồ phật tử quá cố. Hiện nay, tại đây đang lưu giữ tấm biển bằng đồng, mạ vàng có hình dạng “lá đề” (thường được gọi là quả tim lửa), cao 57,5cm, rộng 41cm, dày 2cm, chung quanh có chạm khắc hình ngọn lửa, hai mặt có các dòng chữ do chính vua Minh Mạng ngự ban.

Mặt trước ghi:

我 如 來 以 法 王 御 世 弘 濟 人 天 變 現十方

虛 空 常 住 作 十 大 功 德 而 炎方 獨 厚焉

Phiên âm:

Ngã như lai dĩ pháp vương ngự thế, hoằng tế nhơn thiên biến hiện thập phương hư không thường trú, tác thập đại công đức nhi viêm phương độc hậu yên.

Dịch nghĩa:

Đức Như lai đã cai quản thế gian này bằng pháp môn vô thượng, tế độ khắp cõi trời, người, hiện thân khắp mười phương, thường trú trong cõi hư không, tạo ra mười công đức lớn mà riêng nước nam ta chịu ơn huệ sâu dày này.

Mặt sau ghi:

明 命 陸 年 吉日 造

Phiên âm:

Minh Mạng lục niên kiết nhật tạo

Dịch nghĩa:

Được làm năm Minh Mạng thứ 6 ngày tốt.

Ngoài ra, tại Nhà thờ tổ chùa Tam Thai còn lưu giữ khá nhiều hoành phi, câu đối làm bằng gỗ, sơn son thép vàng như hoành phi được lập vào các năm Thành Thái và Bảo Đại và những di vật khác có giá trị về lịch sử và văn hóa như sau:

- 06 chuông đồng, trong đó có 03 chuông được ghi niên đại cụ thể, gồm chuông đồng có niên hiệu Khải Định thập niên (1925), cao 25cm, đường kính miệng 22cm; chuông đồng có niên hiệu Thành Thái năm Giáp Thìn (1904), cao 40cm, đường kính miệng 44cm; chuông đồng có niên hiệu Minh Mạng thứ 7 (1926), cao 17cm, đường kính miệng 48cm.

Xem thêm: Chi Phí Du Lịch Tự Túc Singapore Chi Phí Cực Thấp, Chi Phí Du Lịch Singapore Tự Túc

- Tượng Bồ tát Văn thù và Bồ tát Phổ Hiền bằng đồng nguyên khối. Đây là 2 pho tượng cổ vốn được thờ phụng tại chùa Trang Nghiêm ở động Huyền Không.

Ngoài cổng Tam quan về phía phải đi lên mấy bậc cấp là đến Vọng Giang Đài, đứng nơi đây có thể nhìn bao quát vùng đất Ngũ Hành Sơn, với cảnh đẹp của đồng ruộng và sông ngòi, tại đây có tấm bia bằng Sa thạch khắc ghi 3 chữ Hán “Vọng Giang Đài”.